Khi mắc bệnh sỏi mật, điều mà bất kì bệnh nhân nào cũng quan tâm là làm thế nào để có thể hết sỏi? Hiện này có rất nhiều phương pháp can thiệp, phẫu thuật có thể giúp loại bỏ sỏi mật một cách nhanh chóng. Vậy đó là những phương pháp gì và được áp dụng trong những trường hợp nào? Tất cả những vấn đề này sẽ được TS. BS. Dương Xuân Nhương - Chủ nhiệm bộ môn Nội tiêu hóa - Học viện Quân Y tư vấn cụ thể ngay sau đây.
TS. BS. Dương Xuân Nhương trong buổi phỏng vấn về bệnh sỏi mật
Thưa bác sĩ, phẫu thuật cắt túi mật có thể được thực hiện bằng những phương pháp nào? Ưu, nhược điểm của từng phương pháp này là gì?
Phương pháp kinh điển đó là phẫu thuật mở ổ bụng cắt túi mật. Đây là một phẫu thuật lớn, bệnh nhân phải nằm viện dài ngày, mất máu nhiều, công tác chăm sóc hậu phẫu khá vất vả và đặc biệt là tỷ lệ tai biến và tử vong khá cao. Hiện nay có một phương pháp khác được sử dụng khá phổ biến là phẫu thuật nội soi. Bác sĩ chỉ cần đục 3 lỗ trên thành bụng và thao tác cắt túi mật, đưa túi mật ra ngoài. Ưu điểm của phương pháp này là ít xâm phạm, bệnh nhân hồi phục rất nhanh, tỷ lệ tai biến rất thấp thường chỉ dưới 5%.
Tuy nhiên, có một số ít trường hợp bệnh nhân không thể mổ nội soi mà phải chuyển sang mổ mở. Ví dụ như các cơ sở y tế chưa có trang thiết bị mổ nội soi, ổ bụng bị dính nhiều do bệnh nhân đã từng trải qua các phẫu thuật lớn ở trong ổ bụng trước đó, bệnh nhân bị hoại tử túi mật thì mổ nội soi khó lấy được ra toàn bộ, bệnh nhân có tổn thương ở các cơ quan lân cận hoặc nhiều trường hợp phẫu thuật nội soi thất bại, cắt được túi mật rồi nhưng không đưa được ra ngoài thì buộc phải mở ổ bụng để lấy túi mật ra.
Phẫu thuật cắt túi mật có ảnh hưởng gì đến sức khỏe cũng như tuổi thọ của người bệnh không, thưa bác sĩ?
Cắt túi mật không có nghĩa là cắt toàn bộ đường mật. Túi mật còn gọi là đường mật phụ nên có thể cắt bỏ hoàn toàn mà không ảnh hưởng đến tuổi thọ. Tuy nhiên, túi mật có chức năng cô đặc và dự trữ dịch mật để tiêu hóa thức ăn, vậy nên cắt bỏ túi mật ít nhiều cũng có ảnh hưởng đến sức khỏe.
Một số bệnh nhân sau cắt túi mật có thể gặp một số triệu chứng như đầy bụng, chậm tiêu, đi ngoài phân lỏng hoặc nôn. Thường các triệu chứng này sẽ được cải thiện sau 6 tháng. Người bệnh chỉ cần khắc phục bằng cách ăn giảm chất mỡ, ăn các thức ăn mềm, dễ tiêu, ăn làm nhiều bữa trong ngày, kết hợp với sử dụng một số men tiêu hóa có thành phần dịch mật.
Sau cắt túi mật nên hạn chế ăn chất béo và tăng cường rau xanh, trái cây
Sỏi mật có tính chất cơ địa nên cắt túi mật không hẳn đã giải quyết triệt để được sỏi mật. Theo thống kê của Mỹ có 1/3 các trường hợp sau cắt túi mật, sỏi mật lại tái phát ở đường mật. Điều này khiến không ít bệnh nhân phải mổ đi mổ lại khá nhiều lần, ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của người bệnh cũng như người thân. Chính vì thế, sau khi cắt túi mật chúng ta phải có biện pháp dự phòng tái phát sỏi.
Thưa bác sĩ, có phải cứ bị sỏi túi mật là phải cắt túi mật đúng không?
Không nhất thiết cứ có sỏi túi mật sẽ phải cắt túi mật ngay. Chỉ khi sỏi túi mật gây nên các biến chứng như viêm túi mật, chảy máu túi mật, nhiễm trùng, hoại tử túi mật, viêm túi mật mãn hay còn gọi là sứ hóa túi mật thì các bác sĩ sẽ đặt vấn đề cắt túi mật. Còn lại, hầu hết các bệnh nhân nên chung sống hòa bình với sỏi mật.
Xin hỏi bác sĩ, tổng chi phí cho 1 ca phẫu thuật cắt túi mật hết khoảng bao nhiêu tiền? Và BHYT có thể chi trả bao nhiêu trong trường hợp này?
Theo tôi được biết, chi phí cho 1 ca phẫu thuật nội soi cắt túi mật khoảng 10 - 15 triệu bao gồm cả tiền thuốc men, tiền nằm viện, tiền xét nghiệm... và bảo hiểm y tế gần như chi trả toàn bộ.
Phương pháp nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) đã giúp nhiều người bệnh có thể tránh được việc phải phẫu thuật. Vậy bác sĩ có thể cho biết phương pháp này được thực hiện như thế nào và có hiệu quả không?
Nội soi mật tụy ngược dòng được coi là một trong những phương pháp lấy sỏi đường mật lý tưởng nhất hiện nay, giúp cho bệnh nhân tránh được một cuộc phẫu thuật lớn. Ở Việt nam, nội soi mật tụy ngược dòng được triển khai từ những năm 1992 và đang được áp dụng ở khá nhiều cơ sở y tế lớn trong cả nước.
Bác sĩ sẽ đưa ống nội soi qua thực quản, dạ dày vào đến tá tràng, ở đó có một lỗ để dịch mật đổ xuống gọi là núm vater. Sau đó, bác sĩ chỉ việc cắt hoặc nong rộng chỗ thắt cơ vòng ra và đưa rọ đưa bóng vào để kéo sỏi xuống. Ưu điểm của phương pháp này là can thiệp hầu hết qua đường tự nhiên, thời gian thực hiện nhanh, thường chỉ sau can thiệp 24 - 48 tiếng bệnh nhân có thể ra viện, chi phí không cao và công tác chăm sóc khá nhẹ nhàng.
Lấy sỏi mật bằng nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP)
Thưa bác sĩ, những trường hợp nào người bệnh có thể áp dụng phương pháp nội soi mật tụy ngược dòng và những trường hợp nào thì không áp dụng được?
Nội soi mật tụy ngược dòng thường được chỉ định để lấy sỏi ống mật chủ, sỏi ống gan trung, thậm chí lấy được sỏi ống gan phải, ống gan trái, đặc biệt là những trường hợp sỏi mật tái phát hoặc những bệnh nhân tuổi cao, sức khỏe yếu không thể phẫu thuật. Tuy nhiên, phương pháp này không được áp dụng được với sỏi túi mật, sỏi ở đường mật trong gan và một số trường hợp sỏi ống mật chủ khó ví dụ như: kích thước sỏi quá lớn, sỏi đường mật nhiều viên, cấu trúc đường mật đã bị thay đổi, đường mật dị dạng...
Là 1 người đã từng thực hiện nhiều ca nội soi mật tụy ngược dòng, bác sĩ có thể cho biết người bệnh có gặp phải biến chứng gì không và phải lưu ý những gì sau khi thực hiện can thiệp?
Biến chứng của nội soi mật tụy ngược dòng ở trên thế giới cũng như Việt nam chỉ chiếm tỷ lệ 5 - 10% và 2/3 số biến chứng ở mức độ nhẹ. Một số biến chứng sớm hay gặp là viêm tụy cấp, chảy máu, nhiễm trùng, hiếm gặp hơn là biến chứng thủng đường mật, biến chứng do gây mê. Người bệnh cũng có thể gặp những biến chứng muộn như viêm đường mật mãn tính tái phát nhiều lần hay viêm tụy cấp do trào ngược dịch từ tá tràng đi lên. Khâu chăm sóc của bệnh nhân nội soi mật tụy ngược dòng khá đơn giản, sức khỏe hồi phục nhanh. Nếu không có dấu hiệu biến chứng gì thì bệnh nhân có thể ăn nhẹ và trong vòng 24 - 48 tiếng sau khi ra viện bệnh nhân chỉ nên vận động nhẹ nhàng.
Nhiều người bệnh sau khi mổ lấy sỏi thường được đặt ống dẫn lưu Kehr. Vậy sau bao lâu thì có thể tháo ống dẫn lưu được và người bệnh cần lưu ý những gì ạ?
Thường sau phẫu thuật mở và phẫu thuật nội soi lấy sỏi ống mật chủ, bác sĩ sẽ đặt vào ống mật chủ một ống dẫn lưu Kehr hình chữ T (1 đường dẫn dịch mật ra ngoài và 1 đường dẫn dịch mật chảy xuống ruột). Sau phẫu thuật 10 - 20 ngày, ống này sẽ được rút ra. Theo dõi và chăm sóc Kehr là vấn đề của các bác sĩ và nhân viên y tế, người nhà chỉ cần lưu ý các trường hợp người bệnh cao tuổi, người không được tỉnh táo có thể vứt Kehr ra.
Ống dẫn lưu Kehr dẫn dịch mật ra ngoài cơ thể
Xin hỏi bác sĩ, tại khu vực phía Bắc và phía Nam, người bệnh nên lựa chọn những bệnh viện nào để thực hiện các can thiệp, phẫu thuật lấy sỏi mật?
Hiện nay, hầu hết các cơ sở tuyến tỉnh, thậm chí cả các bệnh viện tuyến huyện đã có thể thực hiện phẫu thuật nội soi cắt túi. Còn nội soi mật tụy ngược dòng lấy sỏi đã có thể triển khai ở một số bệnh viện tuyến tỉnh và hầu hết các bệnh viện đa khoa tuyến trung ương.
Tỷ lệ tái phát sỏi mật sau mổ có cao không, thưa bác sĩ? Người bệnh cần chăm sóc như thế nào để phòng ngừa sỏi mật tái phát?
Khả năng tái phát sỏi sau phẫu thuật khá cao, đặc biệt là sỏi đường mật (sỏi sắc tố, sỏi nhiễm trùng) có tỷ lệ tái phát khoảng 50 - 60% khiến bệnh nhân phải mổ lại nhiều lần, có trường hợp phải mổ sỏi đường mật tới 13 lần. Vì vậy, sau khi lấy sỏi, bệnh nhân phải thường xuyên kiểm tra siêu âm gan mật từ 3 - 6 tháng/ lần, đồng thời lưu ý hạn chế thức ăn nhiều mỡ, tăng cường luyện tập thể dục và tẩy giun định kỳ. Nếu có các bệnh lý nguy cơ như rối loạn chuyển hóa, tiểu đường, mỡ máu… thì cần điều trị tốt các bệnh này. Ngoài ra, người bệnh nên thường xuyên sử dụng một số thực phẩm chức năng hoặc các loại thảo dược có tính mát gan như nhân trần, râu ngô, kim tiền thảo…
Qua những chia sẻ của TS. BS. Dương Xuân Nhương, hy vọng quý vị và các bạn đã hiểu rõ hơn về các phương pháp can thiệp, phẫu thuật lấy sỏi mật thường dùng hiện nay và biết cách chăm sóc sức khỏe hợp lý để phòng ngừa sỏi mật tái phát.