Người bị cắt túi mật nên ăn gì, kiêng gì luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm bởi chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp bạn mau chóng hồi phục và hạn chế được các biến chứng sau mổ.
Tầm quan trọng của chế độ ăn uống sau cắt túi mật
Túi mật là một cơ quan nhỏ nằm ngay dưới gan phải, có vai trò lưu trữ và bài tiết dịch mật do gan sản xuất để giúp tiêu hóa chất béo. Sau phẫu thuật cắt túi mật, gan vẫn sản xuất dịch mật. Tuy nhiên, một số người có thể phải đối diện với nhiều hệ lụy trên đường tiêu hóa do thiếu vắng chức năng điều tiết dịch mật khi không còn túi mật, đặc biệt là vấn đề về tiêu hóa. Những hệ lụy này tưởng chừng như đơn giản, nhưng có thể gây ảnh hưởng xấu tới chất lượng cuộc sống của người bệnh
Sau phẫu thuật, cơ thể bạn cần thời gian để hồi phục và thích nghi với việc không còn túi mật. Vì thế, một chế độ ăn uống hợp lý đóng vai trò vô cùng quan trọng với người bệnh ở giai đoạn ngay sau mổ và cả sau này. Dưới đây là gợi ý về một số thực phẩm cần tránh và nên ăn sau khi cắt túi mật.
Chế độ ăn uống sau cắt túi mật rất quan trọng với người bệnh
Cắt túi mật kiêng ăn gì để không đau bụng, khó tiêu?
Hơn một nửa số người bệnh sau phẫu thuật cắt túi mật sẽ gặp rắc rối với việc tiêu hóa chất béo. Nguyên nhân do dịch mật không còn được dự trữ ở túi mật mà được đưa trực tiếp xuống đường tiêu hóa. Điều này sẽ gây ra hiện tượng khó tiêu, đau bụng do không đủ dịch mật để tiêu hóa thức ăn hoặc tiêu chảy kéo dài do có quá nhiều dịch mật đổ xuống đường tiêu hóa.
Trong thời gian đầu sau mổ cắt túi mật, bạn nên tránh các loại thực phẩm giàu chất béo, bao gồm:
- Các loại thực phẩm chiên, rán như khoai tây chiên, ngô chiên…
- Các loại thịt giàu chất béo, chẳng hạn như thịt xông khói, xúc xích hun khói, xúc xích, thịt bò, mỡ động vật…
- Các chế phẩm từ sữa giàu chất béo như pho mát, kem, kem, sữa nguyên chất…
- Thực phẩm làm từ mỡ hoặc bơ động vật
- Súp kem hoặc nước sốt, nước sốt thịt
- Pizza, chocolate…
- Dầu, như dầu cọ và dầu dừa. Tuy là dầu thực vật, tuy nhiên 2 loại dầu này khá khó tiêu hóa, có thể kích hoạt một cơn đau sau khi ăn
- Da thịt gà hoặc gà tây do có nhiều cholesterol
- Hạn chế nước giải khát có ga, nhiều đường, nước tăng lực…
- Ăn quá nhiều chất xơ cũng có thể gây ra khó chịu sau phẫu thuật cắt túi mật ở một số người, vì vậy bạn nên ăn lượng vừa phải, từ ít tới nhiều để cơ thể quen dần. Các chất xơ thường có trong: ngũ cốc, bánh mỳ làm từ ngũ cốc, cây họ đậu, cải xanh, súp lơ, cải bắp…
Bạn cũng nên hạn chế thức ăn cay vì nó có thể gây ra một số triệu chứng tiêu hóa trong một thời gian ngắn sau cắt túi mật.
Người bị cắt túi mật nên ăn gì thì tốt?
Hạn chế chất béo không có nghĩa là bạn cần phải kiêng tuyệt đối chất béo, bởi đây cũng là nguồn cung cấp năng lượng cho cơ thể. Vì thế, sau phẫu thuật cắt túi mật, bạn nên lựa chọn chất béo lành mạnh có trong các loại hạt, quả hạch, dầu oliu, trái bơ, chất béo từ các loại cá biển…
Việc hạn chế ăn nhiều chất xơ cũng chỉ nên áp dụng trong một vài tuần đầu. Bắt đầu từ tháng thứ 2 trở đi, bạn nên quay lại chế độ ăn nhiều chất xơ, đặc biệt là chất xơ không hòa tan có trong các loại thực phẩm có độ nhớt như rau mồng tơi, cải bó xôi, đậu bắp, rau khoai lang......Chất xơ không hòa tan sẽ giúp làm giảm hấp thu cholesterol và đường, đồng thời thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn ở đường ruột
Sau cắt túi mật, nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ
Các loại trái cây tươi như cam, bưởi, ổi, thanh long, mãng cầu, dâu tây, kiwi… rất tốt cho sức khỏe vì cung cấp nhiều vitamin và các chất chống oxy hóa. Nếu bạn bị bệnh tiểu đường, cần ăn một lượng vừa phải, không quá 150g trên mỗi lần ăn và 2 lần/ngày.
Nước là dung môi giúp hòa tan và tăng đào thải nhiều chất độc của cơ thể. Vì vậy, bạn cần uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, tuy nhiên nên chọn nước khoáng hoặc nước cam, chanh vì chúng rất tốt cho hệ thống đường mật
Dấu hiệu cảnh báo biến chứng sau cắt túi mật
Mặc dù, phẫu thuật cắt bỏ túi mật là phẫu thuật đơn giản nhưng khi đã đụng chạm dao kéo thì phẫu thuật nào cũng tiềm ẩn những rủi ro cho sức khỏe. Vì thế, việc theo dõi, nhận biết các dấu hiệu bất thường để có hướng xử trí kịp thời là vô cùng quan trọng.
Sau phẫu thuật cắt túi mật, nếu bạn gặp phải một trong những triệu chứng dưới đây bạn nên sớm đến bệnh viện để thăm khám và điều trị:
- Đau bụng dai dẳng hoặc dữ dội
- Buồn nôn, nôn dữ dội
- Vàng da
- Không đi cầu trong hơn ba ngày sau khi phẫu thuật
- Không trung tiện được ba ngày sau khi phẫu thuật
- Tiêu chảy thường xuyên kéo dài hơn ba ngày sau khi phẫu thuật
Có thể nói chế độ ăn luôn đóng một vai trò quan trọng trong điều trị bệnh. Đặc biệt, với những người bị cắt túi mật thì nên ăn gì, kiêng gì lại càng cần phải lưu ý để chóng hồi phục sức khỏe, hạn chế biến chứng sau mổ. Cùng với chế độ ăn uống hợp lý, sử dụng thêm các sản phẩm hỗ trợ từ thảo dược cũng là giải pháp hiệu quả giúp người bệnh cải thiện tiêu hóa, ngăn ngừa biến chứng sau mổ và phòng ngừa nguy cơ tái phát sỏi.
Xem thêm
Phẫu thuật cắt túi mật: Những điều bạn cần nắm rõ để sớm hồi phục
Cắt túi mật sống được bao lâu? Cách ngừa biến chứng sau phẫu thuật