Phần lớn polyp túi mật là lành tính nhưng cũng có thể là những khối u nhỏ, có khả năng tiến triển thành ung thư. Polyp túi mật có thể là những polyp đơn độc nhưng cũng có thể nhiều polyp (đa polyp túi mật). Cùng tìm hiểu về bệnh polyp túi mật trong bài viết sau.
Đa polyp túi mật là gì?
Polyp túi mật hiểu một cách đơn giản là những u nhú phát triển từ niêm mạc túi mật. Phần lớn polyp túi mật là dạng lành tính, chiếm 92% chỉ có một tỷ lệ nhỏ khoảng 8% trường hợp mắc polyp túi mật có khả năng tiến triển thành ung thư túi mật.
Đa polyp túi mật là tình trạng người bệnh có nhiều polyp trong túi mật (từ 2 polyp trở lên). Polyp càng lớn, số lượng càng nhiều thì nguy cơ ung thư túi mật càng cao, đặc biệt những polyp lớn hơn 1cm thì rất có khả năng ung thư, trong khi đó những polyp kích thước nhỏ thì nguy cơ thường thấp.
Đa polyp túi mật có nguy hiểm không?
Khi nhắc đến polyp túi mật người ta thường lo ngại nguy cơ ung thư, đặc biệt khi nghe đến đa polyp túi mật. Nhưng thực tế, nguy cơ ung thư túi mật do polyp là khá thấp, đặc biệt với những polyp kích thước nhỏ.
Như vậy, với những người mắc đa polyp túi mật cũng không cần quá lo lắng, nhất là khi polyp < 10mm và chưa có triệu chứng gì. Tuy nhiên, theo thời gian polyp cũng có thể tăng kích thước, vì thế, các bác sĩ luôn khuyên người bệnh cần siêu âm định kỳ để theo dõi. Còn với những polyp > 10mm, đặc biệt khi kích thước polyp trên 18mm thì đa số chứa các tế bào ung thư nên được phẫu thuật cắt túi mật ngay.
Triệu chứng đa polyp túi mật là gì?
Các triệu chứng polyp túi mật thường không rõ ràng
Đa polyp túi mật có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng gì hoặc chỉ là những dấu hiệu mơ hồ như đau bụng vùng mạn sườn phải, đầy trướng, buồn nôn. Các triệu chứng này khá giống với bệnh sỏi mật hoặc bệnh tiêu hóa khác nên đôi khi cũng dễ gây nhầm lẫn.
Để chẩn đoán polyp túi mật thì siêu âm là phương pháp đơn giản nhất. Trên hình ảnh siêu âm, các bác sĩ sẽ xác định được số lượng, kích thước polyp để từ đó dự đoán được mức độ nguy hiểm của nó.
Phương pháp chụp cắt lớp phát xạ hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) đôi khi cũng được sử dụng để giúp nguy cơ ung thư của polyp túi mật. Những phương pháp này cũng được sử dụng để theo dõi tiến triển của polyp theo thời gian, phát hiện sớm nguy cơ ung thư.
Cách điều trị đa polyp túi mật
Kích thước polyp túi mật và các triệu chứng người bệnh gặp phải là những yếu tố giúp dự đoán tính chất polyp để có chỉ định điều trị phù hợp nhất.
Thông thường những polyp kích thước nhỏ hơn 10mm được xem là lành tính, không gây ung thư và không cần điều trị mà chỉ cần siêu âm theo dõi định kỳ. Việc theo dõi thường được tiến hành bằng cách siêu âm định kỳ khoảng 3 - 6 tháng/ lần trong thời gian khoảng 2 năm, sau đó có thể dừng lại nếu kích thước polyp không thay đổi gì.
Các polyp có kích thước lớn hơn 1cm có nhiều khả năng trở thành ung thư, đặc biệt là những polyp trên 1,8cm thì đa số là tế bào ung thư nên sẽ được chỉ định phẫu thuật sớm. Phẫu thuật cắt túi mật nội soi thường được chỉ định nếu nghi ngờ polyp ác tính. Một số trường hợp khác cũng có thể được chỉ định phẫu thuật như mắc cả polyp túi mật cùng sỏi mật. polyp tăng kích thước quá nhanh, vôi hóa thành túi mật (túi mật sứ)...
Phẫu thuật cắt túi mật được chỉ định khi nghi ngờ polyp ác tính
Người bị đa polyp túi mật nên ăn gì - kiêng gì?
Người mắc polyp túi mật nói chung và đa polyp nói riêng nên có một chế độ ăn uống hợp lý để duy trì sức khỏe và hạn chế nguy cơ rối loạn tiêu hóa. Ăn ít thực phẩm nhiều chất béo, đặc biệt là những chất béo xấu trong thức ăn nhanh, nội tạng động vật để hạn chế nạp thêm cholesterol vào cơ thể. Thay vào đó bạn nên lựa chọn những thực phẩm lành mạnh chứa nhiều chất xơ trong rau, củ, quả hoặc thịt nạc, cá…
Cụ thể hơn, dưới đây là danh sách các loại thực phẩm mà người mắc polyp túi mật nên ăn, nên tránh.
Những thực phẩm nên ăn
- Rau xanh và trái cây tươi (đặc biệt là trái cây chứa nhiều vitamin C)
- Ngũ cốc nguyên hạt (bánh mỳ nguyên hạt, gạo nâu, yến mạch…)
- Thịt nạc, thịt gia cầm bỏ da, cá (cá hồi, cá thu, cá trích…)
- Các sản phẩm từ sữa ít béo (sữa tách béo, sữa gạo, sữa chua…).
Những thực phẩm nên kiêng
- Đồ ăn chiên rán
- Thực phẩm chế biến sẵn
- Các sản phẩm từ sữa béo (phô mai, sữa nguyên kem, bơ)
- Các loại thịt đỏ (bò, heo), nội tạng động vật, lòng đỏ trứng.
Bên cạnh một chế độ ăn uống khoa học, người bị đa polyp túi mật cũng có thể sử dụng thêm một số loại thảo dược như: Uất kim, Chi tử, Sài hồ, Hoàng bá, Diệp hạ châu, Nhân trần, Chỉ xác, Kim tiền thảo… để giúp tăng cường chức năng gan mật, phòng ngừa polyp gây viêm túi mật và giảm rủi ro polyp tiến triển thành ung thư.
Đa polyp túi mật cũng giống như bệnh polyp túi mật nói chung, việc điều trị phải cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ. Thực hiện một chế độ ăn uống, lối sống lành mạnh kết hợp theo dõi định kỳ và sử dụng thảo dược có thể là một chiến lược hiệu quả để bảo vệ sức khỏe của bạn.
Xem thêm
Polyp túi mật & 7 điều quan trọng cần biết
Polyp túi mật nên ăn uống thế nào để giảm triệu chứng và ngừa ung thư?
Tham khảo:
https://www.varanasihospital.com/2017/02/24/gallbladder-polyps-harmless-can-cancerous/
https://www.cancertherapyadvisor.com/gastroenterology-hepatology/gallbladder-polyps/article/596372/