Có khoảng 7% dân số mắc polyp túi mật và phần lớn các trường hợp là lành tính. Tuy nhiên vẫn có một tỷ lệ nhỏ polyp là biểu hiện của ung thư túi mật. Vậy khi nào polyp túi mật gây nguy hiểm và cần phải điều trị? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu cụ thể hơn qua bài viết này.
Nguyên nhân gây polyp và triệu chứng thường gặp
Túi mật là một cơ quan nhỏ có tác dụng lưu trữ, cô đặc dịch mật và co bóp bơm mật xuống ruột non để tiêu hóa chất béo. Polyp túi mật là những u nhú phát triển bất thường từ lớp lót niêm mạc bên trong túi mật.
Nguyên nhân hình thành polyp túi mật có thể do khiếm khuyết trong chuyển hóa cholesterol (chiếm khoảng 50%), sự tăng sinh của lớp niêm mạc và lớp cơ thành túi mật (chiếm khoảng 25%), viêm túi mật mạn tính (chiếm khoảng 10%), tăng sinh tổ chức tuyến (chiếm khoảng 5%),...
Polyp túi mật có thể phát hiện qua siêu âm
Đa phần các trường hợp polyp túi mật không có biểu hiện triệu chứng và được phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe định kỳ. Chỉ khoảng 6-7% bệnh nhân polyp túi mật có các biểu hiện triệu chứng như:
- Co cứng, đau tức nhẹ vùng mạn sườn phải
- Đầy trướng, khó tiêu
- Buồn nôn và nôn, đặc biệt khi ăn các thực phẩm chứa nhiều chất béo.
Polyp túi mật và nguy cơ ung thư hóa
Polyp túi mật phần lớn thường vô hại nhưng cũng có một tỷ lệ hiếm (khoảng 5%) polyp có thể tiến triển thành ung thư túi mật. Dựa vào kích thước, hình dạng, tốc độ phát triển và các biểu hiện triệu chứng của polyp túi mật mà có thể dự đoán được polyp là lành tính hay ác tính.
Sau đây là một số dấu hiệu nhận biết polyp túi mật có khả năng tiến triển thành ung thư:
- Một polyp và polyp có chân rộng (polyp không cuống).
- Kích thước polyp lớn hơn 10mm. Trường hợp kích thước lớn hơn 15mm có xác suất ác tính lên tới 46-70%.
- Polyp kích thước nhỏ nhưng mọc thành cụm trong túi mật (đa polyp).
- Polyp phát triển nhanh bất thường, tăng thêm về số lượng cũng như kích thước một cách nhanh chóng trong thời gian ngắn.
- Polyp có triệu chứng và gây viêm túi mật thường xuyên.
- Polyp túi mật xuất hiện ở người trên 50 tuổi hoặc người bị viêm xơ đường mật.
Cách điều trị polyp túi mật
Hiện nay, chưa có loại thuốc nào có thể làm giảm kích thước hay chữa khỏi được polyp túi mật. Tùy theo kích thước của polyp và sự có mặt của các yếu tố nguy cơ (> 50 tuổi, tiền sử viêm xơ đường mật, polyp không cuống, thành túi mật dày) mà các bác sĩ có thể chỉ định theo dõi hoặc phẫu thuật cắt túi mật.
Thời điểm theo dõi
Người bị polyp túi mật chỉ cần tới bệnh viện siêu âm định kỳ trong các trường hợp:
- Polyp < 5mm, không có các yếu tố nguy cơ: theo dõi định kỳ 1 lần/năm.
- Polyp kích thước 6 – 9mm, không có các yếu tố nguy cơ hoặc polyp < 5mm và có yếu tố nguy cơ ác tính: siêu âm theo dõi thường xuyên mỗi 6 tháng.
- Polyp kích thước 6 – 9mm, có các yếu tố nguy cơ cao: cần theo dõi chặt chẽ 3 tháng 1 lần
Thời điểm nên phẫu thuật
Phẫu thuật cắt túi mật sẽ được chỉ định trong các trường hợp có nguy cơ ung thư cao như:
- Polyp có kích thước ≥ 10mm.
- Polyp túi mật gây triệu chứng đau bụng, đầy trướng, khó tiêu, nôn, sốt tái phát nhiều lần.
- Kích thước hoặc số lượng polyp tăng nhanh (có thể tăng gấp đôi so với lần siêu âm trước), chân lan rộng, hình không đều đặn.
Trong một số trường hợp, các bác sĩ cũng khuyên cắt túi mật nếu người bệnh có cả sỏi túi mật và polyp túi mật.
Nên ăn gì khi bị polyp túi mật?
Món ăn chứa nhiều vitamin và chất xơ tốt cho người bị polyp túi mật
Một chế độ ăn uống khoa học không thể làm giảm kích thước polyp túi mật nhưng có thể giúp hạn chế sự phát triển của polyp và phòng ngừa biến chứng. Sau đây là một số điều mà bạn cần lưu ý:
- Hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo và cholesterol, đồ chiên xào, thức ăn nhanh,
- Tránh sử dụng các chất kích thích, đồ uống có ga, sữa chưa tách béo.
- Ăn nhiều chất xơ và vitamin có trong các loại rau xanh, trái cây tươi và ngũ cốc nguyên hạt.
- Sử dụng các thực phẩm chứa chất béo lành mạnh như: dầu thực vật, các loại cá giàu axit béo omega-3, các loại quả hạnh...
Khi bị đau bụng do polyp túi mật, bạn có thể áp dụng các mẹo nhỏ giúp giảm đau tại nhà như: chườm nước nóng lên bụng, ăn hoặc uống nước ép từ quả lê hoặc củ cải…
Hiện nay, nhiều người mắc polyp túi mật thường sử dụng thêm một số thảo dược truyền thống như Uất kim, Chi tử, Sài hồ, Hoàng bá, Diệp hạ châu, Cam thảo bắc, Kim tiền thảo, Chỉ xác… như một giải pháp tự nhiên giúp tăng cường chức năng gan mật đồng thời kháng khuẩn, kháng viêm. Từ đó, chúng giúp phòng ngừa biến chứng viêm túi mật, hạn chế sự hình thành sỏi mật và các vấn đề về tiêu hóa.
Polyp túi mật phần lớn là không nguy hiểm, chỉ cần bạn theo dõi sức khỏe định kỳ và có một chế độ ăn uống khoa học thì sẽ giảm nhẹ được các triệu chứng, phòng ngừa nguy cơ polyp gây biến chứng và xử trí kịp thời khi phát hiện nguy cơ ung thư.